Tôi có nghe phong phanh vợ tôi cặp với một người cùng công ty cô ấy. Những cú điện thoại trong đêm, những lần vợ tôi vội cúp máy, hay đóng kịch chuyển vai diễn, khi thấy tôi đột ngột xuất hiện cũng ngày càng nhiều hơn.
Tôi xuất thân từ một làng quê nghèo khó tận miền Trung. Biết được con đường thoát nghèo, thoát tự ti mặc cảm, chỉ là học, học và học. Tôi sợ lắm cảnh chân lấm tay bùn, bao đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà ông bà, cha mẹ tôi đang sống. Tôi không muốn cảnh làm nông, mặc dù gia đình tôi thuần nông bao đời nay. Tôi nhớ, những buổi trưa nắng gắt, ngồi dưới lũy tre nghỉ mát, nhìn lên bầu trời, thấy máy bay đang lướt trên mây, tôi mơ, mơ về một nơi xa lắm.Tôi mơ có một ngày, tôi được dịp ngồi trên máy bay đó, để nhìn xuống cánh đồng ruộng quê mình, chắc lúc đó, cảm giác khó tả vô cùng.
Nhìn quanh hàng xóm quê mình, tôi thấy ai cùng nghèo, còn những cô gái trong làng, thì cũng không có gì là nổi trội, vì suốt ngày, quanh quẩn ruộng đồng. Tôi nghĩ đến cảnh mình lấy một cô thôn nữ làm vợ, thì cuộc đời của mình sẽ giống ông bà, cha mẹ, cứ “chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Tôi quyết tâm thoát nghèo.
Bao quyết tâm nỗ lực thoát nghèo của tôi, rồi cũng dần hé mở, khi tôi thi đậu đại học và vào TP HCM học. Sự náo nhiệt, tấp nập của nơi phồn hoa đô hội này, khiến tôi càng ao ước và củng cố quyết tâm bám trụ nơi xứ lạ quê người. Tôi học ngày, học đêm, vượt qua bao gian nan thiếu thốn của một sinh viên nghèo tỉnh lẻ, ngày tốt nghiệp Đại học cũng đến. Hăm hở cầm tấm bằng trong tay, tôi lại bước vào cuộc đua tìm việc làm, nhất quyết không chịu về quê. Sau 2 năm vất vưởng, bám víu nơi mảnh đất đô hội Sài Thành, cuối cùng , tôi cũng tìm được công việc ưng ý, lương cao và nhất là trong quá trình làm việc, tôi quen được tiểu thư con nhà quyền quý.
Tuổi trẻ, yêu chỉ biết yêu, không mảy may suy tính thiệt hơn và dường như ông trời cũng thương người chịu khó, tình yêu của tôi cũng được cô gái đó đáp lại. Không nói các bạn cũng hiểu, tôi phải vượt qua biết bao định kiến “môn đăng hộ đối” để đến với cô ấy. Nước chảy đá mòn, cuối cùng, những phản đối của ông bà già vợ cũng dần nguôi ngoai, khi thấy tôi ăn ở hiền lành, chăm chỉ làm lụng, không ăn chơi đua đòi.
Cưới vợ về, tôi chưa có tiền để mua nhà, ra ở riêng, mà ba mẹ vợ thì nhất quyết không ủng hộ vợ chồng tôi ra ở riêng. Thế là tôi làm rể. Thôi thì, không xuất giá tòng phu, phu nghèo, đành tòng vợ. Sống chung trong một gia đình giàu có, nhiều bạn bè tôi tỏ vẻ ganh tỵ, chúc phúc, vì số tôi may mắn chuột sa chĩnh gạo. Không thể phủ nhận, bao mật ngọt êm đềm của con rể sống trong nhà giàu, đã đôi lúc khiến tôi ngộ nhận, số mình nhiều phước ân.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, bao lục đục vợ, chồng, con rể, bố mẹ vợ, anh chị em vợ dần theo thời gian hiện ra. Tôi sống như một người tầm gửi. Tính tình vợ tôi cũng không còn như ngày nào, cô ấy trở nên cáu gắt và nhiều lúc đứng về phía gia đình nhìn tôi với ánh mắt coi thường, điều này hiện rõ nhất, khi tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. 3 tháng qua, tôi không tìm được việc làm, những tưởng, là chồng của một tiểu thư con nhà giàu, có ai nỡ để mình tủi thân, thiếu thốn nhưng tôi đã lầm. Những lời êm đềm, dịu dàng, những cử chỉ quan tâm trước kia mà gia đình vợ dành cho tôi, không hiểu sao đồng loạt biến mất, thay vào đó là những lời ám chỉ, những ánh mắt nhìn khó chịu, mà ngay cả người vô tâm, vô tư nhất cũng nhận ra.
Vợ tôi dần thay đổi tình cảm, cô ấy tỏ ra lạnh nhạt, hờ hững và khó chịu khi tôi thể hiện những cử chỉ yêu thương vợ chồng. Tôi không dám nghĩ vợ tôi ngoại tình, nói cho cùng, dù cô ấy có ngoại tình, thì mình cũng không thể ngăn cản, khi mà người ta đã muốn. Chia tay hay chịu đựng tháng ngày tủi nhục? Giải pháp nào là khả thi nhất, để giải thoát chính mình? Nếu chia tay, thì 2 đứa con của tôi sẽ lại sống trong cảnh cha mẹ mỗi người một nơi. Chuyện ly dị là giải pháp cuối cùng, khi người ta không còn chịu đựng được nữa. Hay là tôi kém bản lĩnh, khi thấy mới khó khăn chút xíu đã nản, buông trôi?
Thay vì rút lui, vì lòng tự trọng của người đàn ông, tôi tiếp tục ở lại, tiếp tục sống trong gia cảnh giàu có này, để xem số phận đưa đẩy mình tới đâu, khi đó, bất quá không chịu đựng nổi, thì chia tay. Còn nước còn tát, không phải tôi sợ đánh mất cái “hũ gạo” giàu có mà con chuột như tôi rơi vào mà vì tính tôi rất cố chấp, tôi ở lại để xem họ phụ bạc đến đâu? Ở lại, để xem cái tình yêu mà vợ dành cho mình, nó tan biến ra sao. Có ai bảo tôi gàn dở, tôi mặc, không quan tâm.
Thời gian gần đây, tôi có nghe phong phanh vợ tôi cặp với một người cùng công ty cô ấy. Thực hư thế nào, tôi chẳng biết, chỉ biết một điều, cái sự đi sớm về khuya, giờ giấc thất thường, biểu hiện không nhất quán, lời nói mâu thuẫn, dần càng nhiều hơn ở vợ tôi. Những cú điện thoại trong đêm, những lần vợ tôi vội cúp máy, hay đóng kịch chuyển vai diễn, khi thấy tôi đột ngột xuất hiện cũng ngày càng nhiều hơn. Tôi không gặng hỏi, vì biết rằng, có hỏi, thì chỉ nhận về những lời nói vô nghĩa, nói dối và cả sự hẫng hụt mà tôi kì vọng về cô ấy.
Giờ đây, mỗi khi đi đâu tôi không còn được cưỡi trên chiếc xe tay ga đắt tiền mà cha mẹ vợ mua tặng cô ấy, thay vào đó tôi đi chiếc xe số cọc cạch của mình. Những bữa cơm không một lời mời, í ới tên tôi, nếu tôi không chủ động sà vào bàn ăn. Những câu nói nhát gừng, bất cần của những thành viên trong gia đình giàu có ấy, cứ ngày một nặng nề hơn. Khoảng thời gian tôi ở ngoài cổng đợi mở cửa, cũng dài hơn, hoặc chỉ là rơi vào im lặng, sau những lần ấn chuông liên tù tì của tôi, khi trở về muộn. Mỗi ngày, vợ tôi phát cho tôi vài chục ngàn, để tôi phòng thân, với những lời nói quăng theo, mà những ai yếu tim nhất, khó mà sống nổi.
Một tháng nay, vợ chồng tôi chưa gần gũi, dù chỉ 1 lần. Cô ấy có 1001 lí do dẫn ra, khi tôi sáp lại, đụng vào người cô ấy. Tình yêu nhạt dần, tình dục thưa vắng, tình nghĩa con người cũng trống rỗng, giờ tôi cô đơn. Thời gian tôi có mặt ở nhà cũng dần ít đi, thay vào đó, tôi lang thang hè phố Sài Gòn. Tôi đang thất nghiệp, và đang thất tình, dù tôi là người đã có gia đình.
Tôi sợ lắm cảnh về nhà, đối mặt với những ánh mắt hờ hững, những câu nói như cứa vào lòng người của họ. Một lần nữa, tôi nghĩ đến sự giải thoát cho mình - Ly dị ư? Không, lẽ nào tôi đã sai lầm, lẽ nào tôi không đủ bản lĩnh cảm hóa vợ tôi, xoay chuyển tình cảm của cái gia đình vợ? Ly dị rồi, tôi phải đối mặt ra sao với họ hàng làng xóm, với ba mẹ, người thân quê nhà? Họ đã từng tự hào về tôi, về cái gia đình giàu có bên vợ, giờ ly dị, coi như tôi đã làm mọi người rơi vào hụt hẫng.
« Quay lại>> trang chủ <<