Bố mẹ quyết tâm rắn lòng cho Thóc về quê nội cai sữa. Bà Luyện về cùng, phụ trách việc ăn ngủ, tắm táp của Thóc.
Trưa, Thóc dường như có linh cảm sẽ bị dứt sữa mẹ, thế là con đi ngủ 2 tay vẫn ôm ghì bầu ngực mẹ không rời. Để con lại, mẹ xót ruột vô cùng, đêm xuống- rồi con sẽ thất vọng và hẫng hụt biết nhường nào.
Bố mẹ lên xe về Hà Nội mà như chạy trốn. Con thì không biết mình bị "bỏ rơi"- con vẫn cười, vẫn chơi, vẫn nũng mẹ. Mẹ áy náy như mình đang lừa Thóc vậy.
Gọi điện về, lúc nào ông bà cũng nói Thóc ngoan hơn khi có bố mẹ, con chơi vui vẻ, không quấy khóc mè nheo gì. Nhưng giờ ngủ của con bị đẩy khuya hơn bình thường rất nhiều, để khi đi ngủ Thóc sẽ mê mệt không thức dậy giữa đêm gọi mẹ. Ngày thứ 2 mẹ mới dám nói chuyện với Thóc, nghe giọng mẹ con khóc ầm ĩ, con cứ gọi "Mẹ ơi, đi về!". Lúc đó mẹ chỉ ước mình có cánh, sẽ bay về mang Thóc lên ngay.
Mẹ yếu đuối hơn Thóc, “cai nghiện” cho con mà mẹ vật vã. Bố mẹ đi làm về, mở cửa thấy đồ chơi của con vương vãi, quần áo Thóc vắt trên mắc có cái mặc dở vẫn còn chua chua mùi mồ hôi con, đâu đâu trong nhà cũng thấy hơi hám Thóc… Mẹ thực không chịu nổi. Bố mẹ chả thiết nấu nướng ăn uống, không có cái dáng lũn cũn của con chạy góc nọ góc kia- nhà mình quạnh vắng không thể tả.
Trưa ngày thứ 4 xa Thóc, mẹ ăn cơm bụi một mình để nhanh chóng về ngồi viết bài. Mẹ nhớ con mờ hết mắt, cái kính của mẹ chả còn nhìn thấy được gì nữa. Gọi điện cho cô Thúy để nhờ cô cho nói chuyện với Thóc. Con ạ mẹ, con nói nhớ mẹ, yêu mẹ bằng cái giọng non nớt khàn khàn. Nói 3 câu thôi, rồi Thóc im lặng mẹ hỏi gì con cũng không trả lời thêm nữa. Mẹ gặng cô Thúy là sao Thóc không nói chuyện với mẹ nữa, cô Thúy bảo: "Thóc đang nước mắt lưng tròng chị ạ".
Cố gắng lên con nhé. Cả mẹ cũng vậy. Đây là nỗi vất vả đầu tiên con phải trải qua để mà lớn. Bạn Nhím còn bị cai sữa trước con cả năm, bạn ấy phải nhường mẹ cho em Ốc. Mẹ con mình cùng trông bạn Nhím để can đảm hơn con nhé.
« Quay lại>> trang chủ <<