Phải chăng kiếp trăng hoa khi đã vận vào ai rồi thì khó tìm thuốc chữa?
"Không trăng hoa không phải đàn ông”; “Thấy phụ nữ mà không ngứa con mắt phải, đỏ con mắt trái thì chết còn sướng hơn”;… Những lập luận hết sức “hùng hồn” biện minh cho thói bay bướm của đàn ông xem ra cần phải mổ xẻ từ nhiều góc độ, kẻo các ông “được nước” xem như “đặc quyền” của mình.
Chồng mình vẫn là… chồng mình!
Khi anh Huy Giang chính thức “cưa đổ” cô hoa khôi khoa Văn học dưới mình một khóa, nhiều người tiếc cho Nguyệt Hương vì cô xinh đẹp, dịu hiền lại “vớ” phải anh chàng nổi tiếng đào hoa. Vẻ ngoài bụi bụi phong trần, thêm tài “ứng khẩu thành thơ”, anh Giang có “sức hút mãnh liệt” với các cô gái trẻ còn ngơ ngác trước trường đời. Chẳng thế mà dù đã “chiếm hữu” được trái tim cô hoa khôi, anh Giang vẫn không từ bỏ thói ga-lăng. Hương biết, nhưng chỉ cười gượng phân bua cùng bạn bè: “Kệ, cuối cùng anh ấy cũng về với mình. Đàn ông ai chẳng trăng hoa!”. Cho đến giờ, có hai mặt con với nhau, sắp lên chức ông bà, anh Giang vẫn không thay tính đổi nết.
Lạ một nỗi, biết chồng nặng “kiếp trăng hoa”, nhưng Hương chẳng phiền lòng. Cô phân tích: “Anh ấy chiều vợ, thương con; chu đáo với hai bên gia đình; sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, ảnh luôn mua quà tặng vợ; tôi đau ốm là ảnh thức trắng đêm chăm sóc… Xét cho cùng, tính tốt của ảnh nhiều hơn tật xấu. Cũng nhiều lần tôi “nhảy nhổm” khi nửa đêm lại có vài em í ới gọi chồng mình hò hẹn; sáng bảnh mắt đã có em ơi hời anh ơi đi uống cà phê, ăn sáng với em; làm vợ ai mà không “lên máu Hoạn Thư”. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, anh ấy có thế nào mới được các cô gái ngưỡng mộ chứ! Nếu chồng mình như con ma bùn, không ai thèm ngó thì chán chết! Thôi thì anh ấy thích đi đâu cứ đi, cuối cùng cũng phải về nhà. Chồng mình vẫn cứ là chồng mình thôi!”.
Nhưng có những chuyện Hương không kể và cũng chỉ người trong cuộc mới biết, là đã vài lần Giang “xém” không còn là chồng Hương khi làm mái ấm gia đình rung rinh như ngôi nhà trong cơn lốc xoáy. Ấy là khi nửa đêm có người bấm chuông “mắng vốn” anh Giang khiến vòng 2 của cô ta tăng nhanh không kiểm soát nổi; hay khi một em trẻ măng khóc lóc đòi: “Cô ơi, nhường anh ấy cho cháu; cháu không thể sống thiếu ảnh được”. Cũng nhờ Hương “cao tay ấn” nên gia đình lại êm đềm qua cơn bão chướng. Chỉ có thói mắt ngang mày dọc của anh Giang là “vũ như cẫn”.
Gien “sát gái”
Không hào hoa, đẹp mã, lại bê bối, bất cần, nhưng anh Nguyễn Văn (Q.3, TP.HCM) nổi tiếng là kẻ “sát gái” có hạng. Anh tuyên bố xanh rờn khiến các đồng nghiệp nam “lé mắt”, rằng “tôi muốn em nào thì em đó chết”. Không ngoa; ăn nói có duyên, hiểu rõ tâm lý phụ nữ, biết chiều chuộng, đón ý “các em”, anh Văn dễ dàng chinh phục những cô gái đôi mươi thích nghe những lời hoa mỹ. Chẳng thế mà thỉnh thoảng gặp anh ở quán nhậu này, nhà hàng kia, bạn bè trợn mắt thán phục khi bên anh là những cô khác nhau nhưng đều xinh tươi, mơn mởn, ỏn ẻn, nhõng nhẽo để được anh – gã đàn ông sắp vào tuổi 50 chiều chuộng.
Không trăng hoa không phải đàn ông”; “Thấy phụ nữ mà không ngứa con mắt phải, đỏ con mắt trái thì chết còn sướng hơn”...Vốn xem phụ nữ là những “mảng màu” trong bức tranh cuộc sống của mình, thấy cô nào anh Văn cũng “tươm tướp”, tán dẻo quẹo, lượn lờ ve vãn.
Anh bảo: “Phụ nữ nào mà chẳng thích đàn ông tán tỉnh, họ lại yêu bằng tai, thích được chiều chuộng, săn đón; mất mát gì mà không rót mật vào tai các nàng. Cứ khen em đẹp, dễ thương; em thông minh, tốt bụng; em là cô gái đặc biệt nhất; em là người mà anh tìm kiếm cả đời… đảm bảo các em sẽ nhìn mình bằng ánh mắt long lanh, ngã vào vòng tay mình hồi nào không hay”.
Anh còn khoe: “Ông già tôi trên 70 rồi, nhưng còn khối cô mê nhen. Hồi trẻ, lúc nào ổng cũng có cả tá các cô vây quanh. Công nhận ổng nói chuyện hay lắm, tôi nghe còn khoái nói gì các cô. Có lẽ tôi thừa hưởng cái duyên đào hoa của ổng đó”. Không biết anh Văn có tin vào điều mình nói hay không, nhưng anh nghĩ cái kiếp đào hoa lỡ vận vào mình rồi, rung cảm trước người đẹp là lẽ tự nhiên, là bản năng trời phú cho đàn ông, đặc biệt với người như anh, không cặp em này, tán em kia thì đời còn gì đáng sống!
Hết thuốc chữa?
Đáng sống hay không khi cả đời rong chơi với những cuộc tình bất tận? Điều chẳng ai biết là không hiếm khi anh Văn thấy mỏi mệt, cô đơn. Vợ anh giữ chồng bằng cách kiểm soát từng li từng tí, với những quy định khắt khe nhưng không hiểu chồng; những cô bồ phiêu lưu thoáng chốc theo kiểu “tự nguyện, hai bên cùng có lợi” không lấp đầy trong anh những khát khao về một tình yêu, mái ấm thực sự. Một lần, khi đã ngà say, anh Văn trút lòng: “Chẳng lẽ tôi xúi má tôi bỏ ba tôi? Ổng làm khổ bả quá nhiều cũng bởi tính trăng hoa. Má tôi là người phụ nữ công dung ngôn hạnh vẹn toàn, đời này dễ có mấy ai; vậy mà phải cắn răng chịu đựng chồng mình ngày đêm đi hết cô này đến cô kia. Mấy anh em tôi thương má, chỉ muốn bả bỏ ổng cho rồi, nhưng má tôi chỉ yêu mình ổng, cứ nén nỗi đau lại, giữ cho gia đình yên ấm. Có ai biết, lối sống buông thả của tôi có nguồn cơn từ một người cha như vậy? Tôi hận ông, căm ghét bản thân mình. Tôi trốn chạy cuộc đời bằng cách tìm quên qua những cuộc tình, để rồi cuối cùng cũng chỉ là kẻ thất bại”.
Hệ lụy của tính trăng hoa không chỉ là việc con trai đi theo “vết hằn” của cha mình như anh Văn, mà còn là sự tan vỡ gia đình, sự xuất hiện những đứa con vô thừa nhận, và sâu xa hơn là sự khinh bỉ, rẻ rúng của những người con dành cho cha mình. Nhiều người ở cao nguyên còn nhớ chuyện ông Tám Lộc bị các con xa lánh, từ bỏ phải đi lang thang xin ăn khắp phố. Cuối cùng, ông bỏ xứ đi đâu, sống chết thế nào không ai biết. Miệng đời vẫn dè bỉu chuyện ông có tới chín bà vợ cùng nhiều cô bồ rải khắp từ miền Trung đổ vào. Thời trẻ, ông Tám Lộc chạy xe tải, rong ruổi khắp nơi, “đầu mày cuối mắt” với đủ hạng phụ nữ. Vợ và con cái chính sống nhờ vào đồng tiền ông mang về nên chẳng dám hó hé nửa lời; nhưng khi ông già yếu, không còn làm ra tiền, bốn người con liền cùng nhau đuổi cha ra khỏi nhà vì nỗi hận ông khiến mẹ họ phải tự tử. Những bà vợ khác cũng chẳng ai dang tay đón ông. Thiên hạ trách con ông Tám bất hiếu, nhưng chẳng ai tỏ ra thương hại ông, họ bảo đó là quả báo!
Phải chăng kiếp trăng hoa khi đã vận vào ai rồi thì khó tìm thuốc chữa? Có người xem trăng hoa như cách thể hiện “bản lĩnh”, người khác lại tán tỉnh phụ nữ như một niềm vui hay đơn giản là trốn chạy cuộc sống hôn nhân đang nhàm chán, ngột ngạt. Chữa “căn bệnh” này như thế nào là điều phải hỏi các quý ông có máu trăng hoa trước tiên, nhưng xét từ góc độ “phương pháp”, để thói trăng hoa không có chỗ chen vào mái ấm gia đình, điều “cần” là đừng để hôn nhân có những kẽ hở. Nhưng điều “đủ” là các bà vợ phải biết nhìn vào những tính tốt của chồng để tha thứ; khéo léo trong ứng xử; biết thay đổi và làm mới mình để kéo chồng về với gia đình; để cuối cùng anh ta hiểu không ở đâu có tình yêu thương, bao dung và sự ấm áp như chính mái ấm gia đình.
Theo Phụ Nữ TPHCM
« Quay lại>> trang chủ <<